Lịch sử Chiến sĩ "Việt Nam mới"

Những người "Việt Nam mới" đến từ nhiều quốc gia, trong đó chủ yếu gồm hai nhóm chính:

  • Binh sĩ trong quân đội Nhật Bản ở lại Việt Nam và tham gia Việt Minh sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc tháng 8 năm 1945. Số này có khoảng 800 người, trong đó có nhiều sĩ quan cao cấp như Đại tá Ikawa, Trung tá Ishii - Nguyễn Văn Thông[1], Đại tá Mukayama - sĩ quan tham mưu của Quân đoàn 38... Ảnh hưởng bởi chủ thuyết Đại Đông Á, họ là những người tràn đầy tinh thần chống lại người da trắng để giành lại tiếng nói cho người Á châu da vàng. Họ không muốn quay về Tổ quốc bại trận và bị phương Tây chiếm đóng nên tình nguyện tham chiến cùng Quân đội nhân dân Việt Nam để chống Pháp.
  • Binh sĩ lính lê dương và Bắc Phi trong quân đội Pháp chạy sang hàng ngũ Việt Minh trong thời gian 1945-1954. Số này có khoảng 1300-1500 người, chủ yếu là binh sĩ và hạ sĩ quan lê dương người Pháp, Đức, Áo, Bỉ, Hy Lạp, Ý, Tây Ban Nha, Đan Mạch, Ba Lan, Tiệp Khắc, Ukraina, Tunisia, Maroc, Algérie, Một nhóm nhỏ trong số này là những người cộng sản (Ernst Frey - Nguyễn Dân, Erwin Borscher - Chiến Sĩ, Rudy Schröder - Lê Đức Nhân, Kostas Sarantidis - Nguyễn Văn Lập,...) đã chủ động tham gia Việt Minh ngay từ tháng 9 năm 1945.

Ngoài ra còn có một số ít chiến sĩ tình nguyện người Pháp, Hoa, Lào, Campuchia, Malaysia, Thái Lan...

Những người nước ngoài tham gia Việt Minh không phải đều là "hàng binh", vì vậy để tránh gây ngộ nhận, mặc cảm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt tên chung cho họ là "người Việt Nam mới".

Những người "Việt Nam mới" tham gia đóng góp trên nhiều lĩnh vực. Phần lớn trở thành cán bộ hoặc binh sĩ trong các đơn vị chiến đấu của Quân đội nhân dân Việt Nam. Những người có kiến thức quân sự (đặc biệt là các sĩ quan Nhật và một số lính lê dương) trực tiếp tham gia trong các ngành chỉ huy, tham mưu, kỹ thuật, huấn luyện, quân y, quân giới, tuyên truyền... Việt Minh còn tổ chức những đội đặc công gồm cả người Việt Nam và Âu Phi làm nhiệm vụ vũ trang tuyên truyền, cải trang tập kích các đồn của quân Pháp...

Trong giai đoạn đầu chiến tranh khi lực lượng vũ trang Việt Minh còn non trẻ, gặp nhiều khó khăn, kinh nghiệm và kiến thức của những người "Việt Nam mới" đã có đóng góp không nhỏ vào sự phát triển của Quân đội nhân dân Việt Nam. Nhiều người được giao trọng trách và phong quân hàm sĩ quan cao cấp như Đại tá Ernst Frey - Nguyễn Dân (Áo), Ishii - Nguyễn Văn Thông (Nhật), Saito - Nguyễn Thanh Tâm (Nhật), Trung tá Erwin Borchers - Chiến sĩ (Đức)...

Năm 1950, Việt Nam Dân chủ Cộng hoà bắt đầu nhận được sự trợ giúp của Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa, phần lớn những người "Việt Nam mới" ở Bắc Bộ được giải ngũ về đảm nhận các công tác dân sự. Những người ở Trung Bộ và Nam Bộ tiếp tục chiến đấu cho đến khi chiến tranh kết thúc.

Những quân nhân người châu Âu được đưa về nước qua đường Trung Quốc - Liên Xô trong những năm 1951-1954. Quân nhân Nhật về nước trong những năm 1954-1960 theo thoả thuận của Hội chữ thập đỏ hai nước. Quân nhân Bắc Phi về nước trong thời gian từ 1954 đến đầu những năm 1970 sau khi các quốc gia châu Phi giành được độc lập.

Vì nhiều lý do, phần lớn những người châu Âu và Nhật phải để gia đình lại Việt Nam. Sau khi trở về nước, họ cũng gặp nhiều khó khăn từ chính quyền và dân địa phương do đã tham gia quân đội của một nước xã hội chủ nghĩa, một số còn bị xét xử vì tội "phản quốc". Tuy nhiên nhiều người cũng tham gia vào việc giao lưu văn hoá, thúc đẩy quan hệ với Việt Nam Dân chủ Cộng hoà sau này.